Thông tin hữu ích

Tại sao những tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy lại mang bình bát đi khất thực vòng quanh vào mỗi buổi sáng?

Để biết và đánh giá cao hành vi này, bạn cần phải có sự hiểu biết căn bản về xã hội (cộng đồng) Phật giáo. Thứ nhất, theo giới luật mà Đức Phật đề ra (và giới tu sĩ theo Phật giáo Nguyên thủy vẫn tuân theo cho đến ngày nay) là các Tăng Ni không được nhận tiền bạc,

cho nên họ không thể có gì để đi mua thức ăn hàng ngày.

Thứ hai, chỉ khi có dịp lễ hay đạo tràng hay có Tăng đoàn viếng thăm hoặc thuyết pháp ở một chỗ nào đó thì Phật tử mới chuẩn bị cơm nước cúng dường cho quý thầy. Còn ngày thường, thì các thầy phải tự đi khất thực để có thức ăn nuôi sống thân mình để tu hành.

Ngay từ thời Đức Phật, xã hội Phật giáo gồm chủ yếu bốn thành phần, đó là:

  1. Tỳ kheo (Bhikkhu, Tăng)
  2. Tỳ kheo Ni (Bhikkhuni, Ni)
  3. Phật tử tại gia hay cư sĩ nam (Upasaka, Ưu- bà-tắc)
  4. Phật tử tại gia hay cư sĩ nữ  (Upasika, Ưu-bà- di)

Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni là những người đã xuất gia, rời bỏ gia đình và tất cả những vui sướng thế tục để dành tất cả thời gian cuộc đời vào việc tu học và tu hành theo con đường đạo Phật. Sau khi họ  đạt được hiểu biết và đức độ trên con đường đạo, họ có thể đi truyền dạy giáo pháp và những hướng dẫn cho mọi người và những Phật tử tại gia.

Những Phật tử tại gia (cư sĩ), thì ngược lại, là những người có gia đình, nhà cửa và vẫn còn sống trong đời sống thế tục, hưởng vui sướng phàm trần. Họ có thời gian để mưu sinh, làm ra tiện nghi vật chất, và vì vậy họ có khả năng giúp những người  xuất gia như cúng dường thức ăn, vải vóc, thuốc men…cho họ để họ nuôi thân để tu hành.

Xã hội Phật giáo đã hình thành và hoạt động theo cách như vậy, mỗi bên xuất gia và bên tại gia có những nghĩa vụ trợ giúp nhau cao đẹp như vậy.

Đức Phật đã nói rằng khi những thầy tu ôm bình bát đi rảo quanh để khất thực (xin thức ăn), thì trong tâm họ nghĩ rằng họ sẽ gặp được những người cúng dường thức ăn cho họ và người đó sẽ được phước đức rất lớn vì đã có lòng cúng dường cấp dưỡng cho bậc chân tu xuất gia. Bởi vì sao? bởi vì Tăng Ni là “ruộng phước lớn nhất” (Phước điền vô thượng) ở trên đời. Ai cúng dường cho bậc chân tu là như gieo hạt giống trên những ruộng phước tốt nhất.

Cũng như vậy, cúng dường cho những tu sĩ là  cách duy trì hệ thống Phật giáo, Tăng đoàn và tự  viện. Và đó cũng là cách  thực hành thiết thực về lòng bố-thí, về lòng tôn-kính Tam Bảo mà Phật tử  nên làm trong khả năng cho phép của mình.

Ở nững nước Phật giáo Nguyên thủy, rất nhiều người xếp hàng ven đường vào buổi sáng để được cúng thức ăn cho các Tăng, Ni để tạo công đức và giúp tâm thanh tịnh.

Các Tăng, Ni đi khất thực buổi sáng bởi vì họ chỉ ăn trước giờ trưa (trước Ngọ) hàng ngày theo Giới Luật Tỳ kheo.  Người tu thiền vẫn giữ giới luật này  và họ không ăn sau giờ ngọ cho đến hôm sau.

Nguồn: Vấn Đáp Phật Giáo – Lê Kim Kha (biên soạn)

Related Articles

Back to top button